Ngày 31/5/2023, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất – GS.TS Trần Thanh Hải cùng đại diện lãnh đạo Khoa Dầu khí, Chương trình tiên tiến, Phòng Quan hệ Công chúng và Doanh nghiệp đã có chuyến công tác tới thăm và làm việc với các nhà máy thuộc cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau.
Đón tiếp đoàn có: Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC); Ông Nguyễn Duy Hải – Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau cùng đại diện các phòng ban chuyên môn của Công ty; Tại buổi gặp mặt, đại diện Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau đã giới thiệu sơ lược về hoạt động của Nhà máy, các phân xưởng cũng như thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của PVCFC tới đoàn công tác.
Đại diện Trường Đại học Mỏ - Địa chất, GS. TS Trần Thanh Hải cũng đã giới thiệu về các chương trình đào tạo có liên quan và những lĩnh vực nghiên cứu khoa học triển khai công nghệ có thế mạnh của Nhà trường.
Sau phần giới thiệu tổng quan của lãnh đạo hai bên, thành viên đoàn công tác hai đơn vị đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về những nội dung hợp tác sắp tới trên 3 mảng công tác chính, đó là: Đào tạo; Nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ; Tài trợ - Truyền thông – Tuyển dụng. Theo đó, trong thời gian tới hai bên dự kiến cùng nhau ký thỏa thuận hợp tác trên những nội dung sau:
PVCFC sẽ tạo điều kiện cho sinh viên các ngành liên quan của Khoa Dầu khí và Năng lượng, Chương trình tiên tiến, Khoa Cơ - Điện, Khoa Công nghệ thông tin tới tham quan định hướng nghề nghiệp và tham gia các chương trình thực tập sinh tại các nhà máy của cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau.
PVCFC sẽ trao một số suất học bổng khuyến khích học tập cho các bạn sinh viên thuộc Khoa Dầu khí và Năng lượng nói chung và sinh viên các khoa Cơ - Điện, Công nghệ thông tin, Hóa Dược HUMG, khi sinh viên có nhu cầu sau khi tốt nghiệp về công tác tại các Nhà máy thuộc Cụm Công nghiệp.
Hai bên sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong việc truyền thông tuyển dụng, truyền thông tuyển sinh. Cùng nhau hợp tác để triển khai một số các đề tài và dự án nghiên cứu khoa học phục vụ cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm của các đơn vị thuộc cụm công nghiệp.
Có thể nói, việc ký thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên thuộc các ngành học cùa Khoa Dầu khí và Năng lượng nói riêng và sinh viên các Khoa Cơ - Điện, Công nghệ thông tin, ngành Hóa Dược Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
Buổi gặp gỡ giữa hai đơn vị đã diễn ra trong không khí hợp tác, vui vẻ và cởi mở, hy vọng sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho sự hợp tác chặt chẽ sau này.
Ngay sau buổi làm việc Đoàn công tác của Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã đi tham quan Nhà máy Đạm và Nhà máy xử lý khí trong cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau.
Được biết, cụm Công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau có 3 đơn vị: Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau; Nhà máy xử lý Khí và Nhà máy Điện; trong đó Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau là một trong những nhà máy phân bón lớn tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, có công xuất sản xuất lên đến 800.000 tấn phân bón Ure và 300 000 tấn phân bón NPK mỗi năm; Nhà máy Điện với công suất lên tới 1500MW đóng góp vào sản xuất điện của cả nước, đáp ứng nhu cầu điện năng tăng cao trong quá trình phát triển đất nước. Nhà máy xử lý khí Cà Mau có công suất lọc khí lên tới 10 tỷ m3 mỗi năm, đáp ứng nhu cầu năng lượng và khí đốt của khu vực phía Nam Việt Nam, đây là một trong những nhà máy lọc khí lớn và hiện đại nhất tại Đông Nam Á.
Cụm Công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau hiện có khoảng gần 150 kỹ sư là cựu sinh viên của Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Trong đó, có các cựu sinh viên hiện đang giữ vai trò lãnh đạo quản lý (Giám đốc, Phó Giám đốc) và lãnh đạo các phòng ban kỹ thuật, ban chuyên môn của các Nhà máy.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất cũng đã đến thăm và làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau. Tại đây đoàn đã được đồng chí Đỗ Quang Hưng - Phó Giám đốc Sở và đại diện lãnh đạo các phòng ban đón tiếp rất nồng hậu. Lãnh đạo Sở và Lãnh đạo Nhà trường cũng đã trao đổi về một số lĩnh vực hai bên có thể hợp tác nghiên cứu thuộc các lĩnh vực phụ trách của Sở Tài Nguyên Môi trường Cà Mau như: nghiên cứu về dòng chảy, sạt lở, sụt lún, quan trắc; về môi trường và các lĩnh vực khác.
Thăm và làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau cũng đã khép lại chuyến đi công tác của Lãnh đạo Nhà trường.









