Khoa công nghệ thông tin 5 năm Xây dựng và Nghiên cứu khoa học

10/06/2009

Để góp phần đáp ứng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin trong lĩnh vực Các Khoa học Trái đất và Mỏ, theo đề nghị của Trường Đại học Mỏ-Địa chất, ngày 10 tháng 5 năm 2002 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định số 2001/QĐ-BGD&ĐT-ĐH cho phép Trường Đại học Mỏ-Địa chất được tổ chức đào tạo chính quy trình độ đại học ngành Tin học. Ngày 18 tháng 9 năm 2002, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định số 4249/QĐ-BGD&ĐT-TCCB về việc thành lập Khoa Công nghệ thông tin thuộc Trường Đại học Mỏ-Địa chất. Ngày 7 tháng 11 năm 2002, Khoa Công nghệ thông tin chính thức được thành lập trên cơ sở phát triển Trung tâm Công nghệ Tin học với nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về ứng dụng tin học trong lĩnh vực Các Khoa học Trái đất và Mỏ. Khi mới thành lập, Khoa chỉ có 25 cán bộ gồm 02 TS, 05 ThS và 18 KS với 04 bộ môn chuyên ngành là Tin học Mỏ, Tin học Địa chất, Tin học Trắc địa, Tin học Cơ bản và Phòng Thí nghiệm Công nghệ & Xử lý thông tin.
Qua 5 năm xây dựng, Khoa Công nghệ thông tin đã phát triển thêm 02 bộ môn mới là Bộ môn Công nghệ phần mềm và Bộ môn Tin học Kinh tế, số cán bộ của khoa là 64 người. Tính đến thời điểm này, Khoa có 02 tiến sỹ, 24 thạc sỹ, 07 cán bộ đang làm NCS trong và ngoài nước, 15 cán bộ đang học cao học và 57 cán bộ có bằng chuyên ngành kỹ sư về CNTT (trong đó 24 bằng 1 và 33 bằng 2). Trong thời gian tới, khoa sẽ đề nghị Nhà trường thành lập “Bộ môn Mạng máy tính và Truyền thông” và hai phòng thí nghiệm là “Phòng thí nghiệm Địa tin học”, “Phòng thí nghiệm Mạng máy tính và Truyền thông”. Cho đến nay, khoa đã và đang đào tạo trên 600 sinh viên hệ đại học từ K47 đến K52 các chuyên ngành Tin học Mỏ, Tin học Địa chất, Tin học Trắc địa và Tin học Kinh tế. Tháng 7 năm 2007 vừa qua, 82 sinh viên Tin học Trắc địa và Tin học Địa chất đã tốt nghiệp ra trường, trên 75% số sinh viên đó đã có việc làm ổn định đúng chuyên ngành đào tạo, được xã hội chấp nhận.
Trong năm tới, sẽ đề nghị Nhà trường cho mở ngành đào tạo Kỹ sư Công nghệ Thông tin, đào tạo bằng 2 các chuyên ngành và đào tạo hệ cao đẳng-liên thông. Hiện nay, khoa đang phối hợp với một số cán bộ khoa học trong trường và Khoa Công nghệ thông tin (Học viên Kỹ thuật Quân sự), Viện Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia Hà Nội)… xây dựng chương trình đào tạo thạc sỹ chuyên ngành.
Về công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, ngay từ khi thành lập, mặc dù lực lượng cán bộ của Khoa chỉ có 25 cán bộ, công tác xây dựng chương trình đào tạo cho các chuyên ngành mới rất nặng nề, nhưng ban Chủ nhiệm khoa và các bộ môn chủ quản vẫn tạo mọi điều kiện, động viên cán bộ tiếp cận với thực tế sản xuất, tìm hiểu nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực về tin học ứng dụng của xã hội và các doanh nghiệp.
Năm 2003, 2004 và 2005, Khoa Công nghệ thông tin đã cử nhiều đoàn cán bộ đi thực tế tại một số Công ty Than khu vực Quảng Ninh như Công ty Than Cọc Sáu, Công ty Than Dương Huy, Công ty Than Hà Tu, Công ty Than Khe Chàm, Công ty Than Thống nhất …, Công ty Apatit Việt Nam, tìm hiểu nhu cầu ứng dụng tin học trong thực tế sản xuất. Đồng thời Khoa cũng ký nhiều hợp đồng đào tạo tin học cơ bản và tin học ứng dụng với các công ty này. Ngoài ra, các cán bộ của Khoa đã hợp tác nghiên cứu xây dựng và chuyển giao “Chương trình Quản lý Vật tư Công ty Than Cọc Sáu”, “Chương trình Quản lý Vật tư Công ty Than Thống Nhất”, “Chương trình Thông gió mỏ hầm lò” cho Công ty Than Dương Huy và Công ty Than Khe Chàm. Các chương trình này đã được các Công ty sử dụng rất hiệu quả trong thực tế sản xuất.
Cũng trong thời gian này, một số cán bộ thuộc chuyên ngành Trắc địa, Địa chất đi tìm hiểu thực tế tại các xí nghiệp thuộc Công ty Đo đạc ảnh địa hình (Tổng cục Địa chính), Công ty Trắc địa - Bản đồ (Cục Bản đồ Quân sự) và một số Liên đoàn Địa chất, Liên đoàn Địa chất Thuỷ văn - Địa chất Công trình… . Từ đó, đã hình thành được một số đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác đào tạo và chuyên giao công nghệ trong lĩnh vực trắc địa và địa chất như chương trình bình sai lưới khống chế trắc địa, chương trình xử lý số liệu trắc địa, chương trình vẽ bản đồ địa hình, vẽ bản đồ địa chính, chương trình tính toán khối lượng đào đắp, chương trình xử lý ảnh, chương trình xử lý số liệu địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, chương trình quản lý thông tin tư liệu địa chất... .
Trong 5 năm qua, các cán bộ của Khoa đã hoàn thành 02 đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản cấp Nhà nước, 07 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường và nhánh đề tài khoa học cấp Nhà nước về “Ứng dụng công nghệ viễn thám để nghiên cứu sạt lở các con sông biên giới phía bắc” thuộc chương trình KC 08 phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; Hiện tại, khoa đang thực hiện 01 đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản cấp Nhà nước, 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và tham gia đề tài “Chia sẻ tài nguyên số thông tin khu vực học và nghiên cứu thành lập bảo tàng ảo các lịch sử văn hoá Thăng Long - Hà Nội” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ... . Các đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của cán bộ Khoa Công nghệ thông tin tập trung chủ yếu ứng dụng tin học trong công tác quản lý và điều hành sản xuất, ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực Trắc địa, Địa chất, Mỏ và Môi trường, hỗ trợ cho công giảng dạy như ngân hàng bài tập Visual Basic 6.0, chương trình chấm thi trắc nghiệm môn Tin học đại cương, chương trình hỗ trợ học ngoại ngữ chuyên ngành, chương trình xử lý song song cho các bài toán kinh tế... .
Về công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên, Khoa đã động viên và tạo mọi điều kiện có thể đề sinh viên của Khoa được thực hiện nghiên cứu khoa học. Tại Hội nghị Khoa học sinh viên lần thứ 16 (năm 2006) Iiểu ban Công nghệ Thông tin có 08 báo cáo và Hội nghị lần thứ 17 (năm 2007) Tiểu ban Công nghệ Thông tin có 08 báo cáo. Trong đó Khoa Công nghệ thông tin có 01 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên tham dự giải VIFOTECH.
Nhìn chung, công tác nghiên cứu khoa học của Khoa đã góp phần tích cực trong trong công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, là môi trường thuận lợi cho sự gắn bó giữa các cán bộ của Khoa với các cơ sở sản xuất, với các đơn vị nghiên cứu và mở rộng quan hệ hợp tác.
Để đáp ứng được công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong giai đoạn tới, tập thể cán bộ công nhân viên Khoa Công nghệ thông tin phải phát huy tiềm lực và lòng say mê khoa học, mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện, có hiệu quả với các cơ quan nghiên cứu và với các cán bộ khoa học trong trong và ngoài Trường, trong nước và ngoài nước để tạo ra những sức bật mới, những thành công mới trong lĩnh vực nghiên cứu.
Trong những năm tới, Khoa sẽ tập trung nghiên cứu một số vấn đề sau:
1. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực thuộc Các Khoa học Trái đất và Mỏ, cụ thể nghiên cứu xây dựng các chương trình ứng dụng trong lĩnh vực Trắc địa, Bản đồ, Viễn thám và Hệ Thông tin Địa lý; trong nghiên cứu Địa chất và Môi trường; trong Khai thác Mỏ và các bài toán Quản lý kinh tế... .
2. Nghiên cứu và phát triển kỹ thuật lập trình hướng đối tượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ mạng, kỹ thuật mô phỏng, mã nguồn mở... .
3. Nghiên cứu xây dựng các chương trình hỗ trợ công tác quản lý và đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế của Khoa và của Nhà trường.
Qua 5 năm xây dựng và phát triển, công tác nghiên cứu khoa học của Khoa Công nghệ thông tin mới chỉ là bắt đầu và kết quả còn rất khiêm tốn, nhưng bước đầu đã tạo ra được chỗ đứng và niềm tin đối với Nhà trường và xã hội. Phía trước còn rất dài, đầy gian nan và thử thách, đòi hỏi các cán bộ của Khoa phải học tập và sáng tạo, phải dành nhiều hơn nữa cho khoa học và cho sự phát triển của chuyên ngành, của Khoa Công nghệ thông tin, góp phần vào sự phát triển chung của Trường Đại học Mỏ-Địa chất.

PGS.TS Nguyễn Trường Xuân, Trưởng khoa Công nghệ thông tin.