Giáo dục VN thời toàn cầu hóa: Trao quyền tự chủ nhưng phải kiểm soát chất lượng

24/05/2008

Hàng chục học giả, nhà khoa học, lãnh đạo trong và ngoài nước đã có một ngày làm việc nghiêm túc với nhau tại hội thảo "Giáo dục VN trong bối cảnh toàn cầu hóa" do Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 23-5 nhằm tìm kiếm lối đi cho giáo dục VN.

GS Hoàng Tụy nói: "Nếu đặt giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhìn tình hình một cách khách quan và có trách nhiệm, chúng ta không thể nhắm mắt trước sự tụt hậu ngày càng xa của giáo dục VN so với các nước xung quanh và so với yêu cầu phát triển của xã hội. Từ chỗ trước đây dù sao cũng là sự nghiệp toàn dân, là "bông hoa của chế độ”, nay giáo dục đã dần mất phương hướng, không còn rõ giáo dục cho ai, vì ai, để làm gì”.

Ông cũng đưa ra vụ ngành giáo dục quyết tâm tăng giá sách giáo khoa 10% trong khi Chính phủ kêu gọi mọi ngành ngăn cơn bão giá, để chứng minh hệ thống giáo dục đang có nhiều đơn vị tuân theo lợi ích cục bộ, thiển cận nhiều hơn là quan tâm đến lợi ích cơ bản và lâu dài của cộng đồng.

Chia sẻ với GS Hoàng Tụy, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng trong một thời gian dài chúng ta đã "làm ngắn" giáo dục lại. Chúng ta "tuyên truyền hóa" không chỉ các môn khoa học xã hội mà cả khoa học tự nhiên, không chừa cả toán lẫn vật lý, hóa học, sinh học... Nhiều môn khoa học xã hội và nhân văn khác thì vừa bị coi thường vừa bị bóp méo đến biến dạng, đôi khi trở thành cái trái ngược với chính nó. Chính sự thiếu hụt này, ở nền tảng cơ bản của con người, đã khiến những sản phẩm giáo dục đó "không dùng được ngay" như hi vọng, càng không dùng được lâu dài, chưa nói gì đến dùng để làm nền cho xã hội...

Với thực trạng đó, nhiều học giả bày tỏ lo âu khi nền giáo dục VN bước chân vào hội nhập.

GS-TSKH Lê Ngọc Trà, viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: "Nguyện vọng tốt đẹp nhưng duy ý chí khiến giáo dục VN đẻ ra phương châm đi tắt đón đầu. Nhiều chủ trương ồ ạt về giáo dục hiện nay như: hai vạn tiến sĩ, xếp loại ĐH, đào tạo theo tín chỉ, tăng học phí ở giáo dục phổ thông phản ánh tâm lý muốn nhảy vọt, muốn bắt chước các nước tiên tiến, muốn nhanh chóng thực thi quan niệm xem giáo dục như một hoạt động dịch vụ, có tính chất thị trường mà quên rằng giáo dục ĐH ở các nước ấy đã phát triển trước chúng ta hàng trăm năm, cơ sở vật chất trường học ở ta còn vô cùng nghèo nàn, đồng lương của thầy giáo còn không đủ ăn".

Thiên về việc tìm hướng phát triển cho giáo dục VN, các học giả nước ngoài tham gia hội thảo đã đưa ra khá nhiều gợi ý đáng lưu tâm. GS-TS Jim Cobbe (ĐH bang Florida, Hoa Kỳ) cho rằng mở rộng quyền tự chủ cho các trường là một phần tất yếu của cải cách nhưng Nhà nước cũng rất cần duy trì việc kiểm soát các qui định về chất lượng đào tạo và tiêu chuẩn tuyển sinh đầu vào.
Theo TS Lee Little Soldier (ĐH Texas Tech, Hoa Kỳ), VN chỉ có thể đưa các chương trình đào tạo ĐH của mình đạt tầm quốc tế khi hoàn thiện được hệ thống kiểm định và xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng cho tất cả các trường ĐH; bảo đảm quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường về mặt nhân sự, tài chính và đẩy mạnh quan hệ song phương giữa các trường ĐH hàng đầu của VN với những trường ĐH danh tiếng trong vùng cũng như trên thế giới.
Theo Tuổi Trẻ Online